Tôi đã nhận thấy nhiều lỗi và thói quen xấu trong nhiều năm chơi và giảng dạy. Nhưng lỗi này là lỗi phổ biến nhất. Đây là lỗi thường gặp ở cả người mới bắt đầu và người chơi nâng cao, ảnh hưởng đến âm thanh, tiến trình và khả năng sáng tạo của họ.
Bạn nghĩ đó là lỗi gì? Câu trả lời của tôi:
Chơi quá nhanh!!!
Trong bài viết này, tôi sẽ nói về:
- Tại sao điều này lại xảy ra?
- Nó ảnh hưởng tới chúng ta như thế nào?
- Một giải pháp đơn giản cho vấn đề này.
Tại sao chúng ta chơi quá nhanh?
1. Quá nôn nóng
Chúng ta thường muốn mọi thứ diễn ra thật nhanh – muốn chơi hoàn hảo ngay lập tức. Điều này đặc biệt đúng trong thời đại công nghệ, nơi mọi thứ đều diễn ra tức thì. Nhưng thực tế là: bộ não và cơ thể con người không thể học nhanh và hoàn hảo như vậy. Chính sự thiếu kiên nhẫn này là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến bạn chơi quá nhanh.
2. Lo lắng
Khi bị áp lực – đặc biệt là khi có người khác đang xem hoặc nghe bạn chơi – bạn dễ rơi vào trạng thái “chống trả hoặc bỏ chạy”. Điều đó khiến bạn muốn chơi thật nhanh để vượt qua nhanh giai đoạn khó chịu này. Bạn có từng nhận ra rằng mình thường chơi nhanh hơn khi biết có người đang quan sát không?
3. Thiếu tự tin
Chúng ta không muốn người khác nghĩ mình là “người mới” nên cố gắng chơi thật nhanh để gây ấn tượng. Trong đầu ta thường gán nhãn: chơi chậm = nghiệp dư, còn chơi nhanh = chuyên nghiệp. Nhưng chính suy nghĩ so sánh không lành mạnh này làm bạn chơi thiếu kiểm soát và kém hiệu quả.
Vì sao chơi quá nhanh là một vấn đề?
Sai sót kỹ thuật
Chơi nhanh khiến bạn không đủ thời gian để cảm nhận hay điều chỉnh kỹ thuật. Bạn không biết liệu đoạn vừa chơi có rõ ràng không, có bị lẫn tạp âm hay không, có sạch sẽ không… Khi tốc độ quá nhanh, rất khó để kiểm soát các chi tiết nhỏ, và điều đó khiến phần trình diễn trở nên lộn xộn, thiếu cảm xúc.
Gây bực bội
Khi học một kỹ thuật mới mà bạn cố gắng chơi nhanh, bạn đặt mình vào thế thất bại. Mỗi lần sai bạn sẽ cảm thấy chán nản, rồi lại tiếp tục cố gắng chơi nhanh để “bắt kịp”. Vòng lặp thất vọng – cố gắng – rồi lại thất vọng cứ lặp lại.
Nhưng thực chất, bạn cần thời gian để phối hợp nhuần nhuyễn giữa não bộ và các ngón tay. Cũng giống như khi bạn nói quá nhanh – rất dễ vấp hoặc nói sai.
Dễ quên
Bạn có từng chơi một câu nhạc nghe rất “đã”, nhưng sau đó… không nhớ nổi mình vừa chơi gì? Rất có thể là do bạn chơi quá nhiều nốt, quá nhanh, khiến bộ não không kịp ghi nhớ.
Chơi chậm lại giúp bạn nhớ nhạc rõ hơn và sâu hơn.
Giải pháp đơn giản là gì?
Một cách hữu ích là ghi âm hoặc quay video lại và nghe lại sau đó. Nhưng thực tế thì… bạn có thường nghe lại không?
Cách hiệu quả hơn: Tập nhận ra lỗi ngay trong lúc chơi.
Và điều đó dẫn đến giải pháp hiệu quả nhất cho lỗi này:
→ Chơi chậm lại!
Nghe thì đơn giản, nhưng thực tế không dễ như bạn nghĩ. Ngay cả khi bạn tưởng mình đang chơi chậm… vẫn chưa đủ chậm đâu!
Dùng metronome nếu cần, và bắt đầu ở tốc độ khoảng 60 BPM hoặc chậm hơn.
Khi đã chơi chậm đủ, bạn sẽ:
- Tập trung được vào từng chi tiết nhỏ khi chơi.
- Cảm thấy như mình đang thiền cùng với cây đàn guitar.
- Biến thời gian luyện tập thành một trải nghiệm âm nhạc sâu sắc.
- Ghi nhớ tốt hơn những giai điệu hay mà bạn vừa tạo ra.
- Lắng nghe được chiều sâu âm nhạc trong từng note.
- Và quan trọng nhất: chơi chậm chính là con đường nhanh nhất để tiến bộ!